UTT thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển BIM trong công trình đường sắt Việt Nam

Ngày 09/5, Trung tâm Công nghệ BIM&AI phối hợp cùng Trung tâm Đường sắt tốc độ cao - Viện Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) đã có buổi làm việc và trao đổi chuyên môn với đại diện Crossrail International và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về một số nội dung hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình Thông tin Công trình (Building Information Modeling - BIM) trong lĩnh vực đường sắt. Buổi làm việc do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì.

Dự chương trình có Ông Lê Minh Thành, Giám đốc quản lý chương trình GCIP Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM; ông Malcom Taylor - Chuyên gia chuyển đổi số cao cấp của Crossrail International; ông David Jones Gibbs - Giám đốc chuyển đổi số Crossrail International

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì buổi làm việc

Trong khuôn khổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật này, Trung tâm công nghệ BIM&AI đóng vai trò là đơn vị tư vấn trong nước, hỗ trợ đơn vị tư vấn nước ngoài trong việc phát triển tài liệu hướng dẫn áp dụng BIM. Các tài liệu được xây dựng phù hợp với đặc thù kỹ thuật và điều kiện thực tế của ngành đường sắt Việt Nam, đồng thời kế thừa kinh nghiệm quốc tế từ các dự án đường sắt tiên tiến trên thế giới.

Hoạt động này cũng gắn liền với chiến lược của Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành Xây dựng. Cụ thể, Viện Kinh tế Xây dựng - đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về BIM áp dụng trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng” theo Quyết định số 926/QĐ-BXD ngày 11/10/2024, trong khuôn khổ Đề án Chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự ủng hộ tích cực và cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ nhóm nghiên cứu. Hiện nay, nhóm Hỗ trợ kỹ thuật do PGS.TS Lý Hải Bằng - Trưởng nhóm cùng các thành viên đang tập trung xây dựng nội dung hướng dẫn chi tiết, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Việc áp dụng BIM được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành Xây dựng, Giao thông vận tải Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, metro và các dự án hạ tầng giao thông hiện đại.

Trường Đại học Công nghệ GTVT tự hào là cầu nối quan trọng trong dự án hợp tác quốc tế này, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường cũng như ngành GTVT Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến toàn cầu.

Viện Công nghệ GTVT