Toạ đàm Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học

Ngày 19/10, tại trường Đại học Công nghệ GTVT đã diễn ra buổi Tọa đàm “Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Tọa đàm diễn ra bằng hình thức trực tuyến với 40 điểm cầu là các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước

Tham dự buổi Toạ đàm về phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GDĐT; ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Trần Nam Tú - Phó vụ trưởng Vụ KHCNMT. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục PTTT và DNKHCN, đơn vị triển khai Đề án 844 của Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phụ trách Phòng Doanh nghiệp Nhỏ và vừa - Cục Phát triển Doanh nghiệp; về phía Hội đồng Anh tại Việt Nam có bà Trần Thị Hồng Gấm - Phó Giám đốc Chương trình Giáo dục và Xã hội. Về phía Sở KHĐT Hà Nội Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cùng các thành viên Tổ Công tác triển khai thực hiện đề án 1665 và đại diện các Doanh nghiệp đồng hành cùng Đề án.

Về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng; TS. Hoàng Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng; TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách Trung tâm Khởi nghiệp cùng đại diện Phòng Đào tạo, Đoàn TN, Hội sinh viên Trường; và sự có mặt tham gia trực tuyến của Ban Giám hiệu, thầy cô phụ trách công tác Khởi nghiệp trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học tại 40 điểm cầu trong cả nước.

TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang được coi là một trong những nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, sớm đưa Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Thứ trưởng cho rằng, để trở thành một Quốc gia khởi nghiệp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia ngày càng hoàn thiện hơn. Tại đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm tạo, hỗ trợ và nhanh chóng có được những mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, trong các báo cáo nghiên cứu về việc xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia thì vai trò của các trường đại học rất quan trọng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy mô hình khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Các trường đại học, cơ sở giáo dục đại học cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, hình thành văn hóa khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển tài năng, năng khiếu của học sinh, sinh viên.

PGS TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Tọa đàm

PGS TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Nhà trường cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng và lựa chọn Trường Đại học Công nghệ GTVT làm đơn vị đồng tổ chức Tọa đàm với sự tham gia trực tiếp của Đại diện 4 Bộ và các Sở ngành, khối Trường Đại học/Học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội; bên cạnh đó và đại diện hơn 40 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước thông qua hình thức trực tuyến. PGS TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong những năm qua Nhà trường rất quan tâm tới hoạt động Khởi nghiệp sáng tạo và Hướng nghiệp cho sinh viên trong toàn Trường. Năm 2020, Nhà trường vinh dự có một dự án của sinh viên (Sản phẩm Chổi quét trần nhà 4.0) được lọt vào TOP 50/550 vòng Chung kết Khởi nghiệp Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Theo báo cáo tham luận, là một trong những trường khối kỹ thuật đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo, dù mới đi vào hoạt động nhưng Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải đã có nhiều hoạt động và đem lại được những kết quả tốt như thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm về khởi nghiệp, tổ chức cuộc thi “Sinh viên UTT với ý tưởng khởi nghiệp” định kỳ hàng năm song song với các hoạt động kết nối, xây dựng môi trường khởi nghiệp nhằm nhằm thúc đẩy hoạt động hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải.

Tại tọa đàm, sau khi nghe các báo cáo chia sẻ kinh nghiệm của một số đơn vị, các đại biểu trao đổi, chia sẻ thêm những nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp các nhà trường đã và đang triển khai trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại hạn chế về mặt chính sách cần tháo gỡ. Các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhận định, sáng tạo và khởi nghiệp là trụ cột để giúp cho các hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học đến gần hơn với thực tiễn.

Theo thống kê, đến nay đã có 50% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV; có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chụp ảnh cùng Đại diện Lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ GTVT, các đại biểu và Ban tổ chức chương trình