MỘT SỐ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO PHỤ NỮ VIỆT NAM NHÂN NGÀY MÙNG 8 THÁNG 3


MỘT SỐ LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO PHỤ NỮ VIỆT NAM NHÂN NGÀY MÙNG 8 THÁNG 3

09/03/2016

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phụ nữ Việt Nam và vấn đề giải phóng phụ nữ, giáo dục phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã nhìn nhận, đánh giá cao những truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. (Ảnh tư liệu)

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc phụ nữ ta đã kiên cường kề vai sát cánh cùng các đồng chí nam giới để bền bỉ đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở hậu phương chị em phụ nữ cũng ra sức phấn đấu thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để phục vụ cho đất nước, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “ Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang ”

Tuy nhiên, Người cũng nhận thấy những hạn chế, ngăn cản sự phát triển, bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Đó là những khó khăn xuất phát từ bản thân chị em phụ nữ và hoàn cảnh khách quan: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái” .

Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn bản thân phụ nữ phải ra sức phấn đấu:

Pháp luật của Nhà nước ta đã quy định đàn bà cũng có mọi quyền lợi như đàn ông. Để thực hiện thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu.

Ngày 9/3/1961 khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình:

 “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”…

Tại Đại hội liên hoan Phụ nữ “năm tốt” (ngày 30/4/1964), Bác thể hiện mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên:

 “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào "Năm tốt" sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng”…

Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng phấn đấu, chỉ ra những việc làm cụ thể cho các chị em:

 Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

 Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v... còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.

 Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi. Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em, chị em trong một nhà, cùng nhau ra sức xây dựng miền Bắc giàu mạnh và ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ Việt gian.

Một việc rất quan trọng nữa là: toàn thể đồng bào miền núi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích, ngăn chặn bọn phản cách mạng âm mưu phá hoại.

 Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được. Hiện nay đã có phụ nữ miền núi làm thày giáo, làm bác sĩ, làm cán bộ kỹ thuật, đội trưởng dân quân, v.v.. Tất cả phụ nữ trong huyện Đà Bắc ở tỉnh Hoà Bình đã xoá xong nạn mù chữ. Đó là những gương mẫu có quyết tâm thì thành công. Bác chờ để khen thưởng những chị em có thành tích xuất sắc nhất…

Trong lời chúc mừng Ngày quốc tế phụ nữ 8/3/1957, Bác cũng chỉ ra những nhiệm vụ của từng đối tượng phụ nữ

“Để kỷ niệm ngày 8 tháng 3 một cách thiết thực và xứng đáng, chúng ta cần động viên:

Chị em phụ nữ nông thôn THI ĐUA góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt.

Chị em công nhân và công chức THI ĐUA làm trọn nhiệm vụ của mình.

Chị em trí thức THI ĐUA góp phần vào việc phát triển văn hoá.

Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, THI ĐUA học và hành, xung phong trong mọi công việc…

Tại Hội nghị phụ nữ lao động tích cực lần thứ nhất của Hà Nội ngày 18-10-1958, Bác đã căn dặn chị em phụ nữ Thủ đô:

“Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn, bài trừ tệ "mua rẻ, bán đắt", tệ "mặc cả, nói thách". Chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khoẻ của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc”.

Đặc biệt, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp xuân Bính Tuất (1946), Bác đã tặng bài thơ như một lời nhắc nhở, động viên chị em phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng cách sống “Đời sống mới”:

Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây "Đời sống mới"

Việc thành là bởi

Chúng ta siêng mần

Vậy nên chữ cần

Ta thực hành trước

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Thấy của bất nghĩa

Ta chớ tham tàn

Thế tức là liêm

Đã liêm thì khiết

Giữ mình làm việc

Quảng đại công bình

Vì nước quên mình

Thế tức là chính

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống "Đời sống mới".

Báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 1946,

 Bên cạnh những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, Bác còn chỉ ra những nhược điểm nào của phụ nữ và hướng dẫn cách khắc phục.

Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc (ngày 1-8-1960), Bác chỉ rõ:

 “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”…

            Cùng với việc căn dặn, nhắc nhở phụ nữ, Bác Hồ đã nhiều lần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động, phấn đấu. Đó là: Khi nói chuyện tại Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Bác phê bình sự thiếu sót trong bồi dưỡng cán bộ nữ, Người đánh giá cao vai trò của cán bộ nữ đồng thời yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ:

  “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không?

Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa”.

 Trong bài “Phải thật sự đảm bảo quyền lợi của phụ nữ” đăng trên báo Nhân dân ngày 28/12/1962, Bác viết

 “Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”…

Trong Di chúc, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm : “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”…

Di chúc

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, tr. 510

Tuy vậy, Người luôn nhấn mạnh đến khả năng tự lực vươn lên của phụ nữ: “Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”…

Phải thật sự đảm bảo quyền lợi của phụ nữ,

Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, tr. 661 – 662

(Theo Trang điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)