Sinh viên Ngành Công trình tham quan, học tập ngoại khóa tìm hiểu các công nghệ thi công hiện đại tại công trình cầu Bạch Đằng

Ngày 27/9/2017, Khoa Công trình tổ chức cho sinh viên tham quan, học tập ngoại khóa tìm hiểu các công nghệ thi công hiện đại tại công trường thi công cầu Bạch Đằng - cây cầu bắc qua sông Bạch Đằng nằm trên tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long.


Mô hình cầu Bạch Đằng

Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có tổng chiều dài 5,4 km, rộng 25-:-28 m, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Riêng cầu Bạch Đằng có chiều dài khoảng 3 km, kết cấu bằng BTCT và BTCT dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu sẽ có 3 trụ tháp (trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp 2 bên cao 94,5 m) với 4 nhịp cầu dây văng. Cầu Bạch Đằng giúp rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng đi Hạ Long chỉ còn 25km, thay vì 75km như hiện tại.


Thầy và Trò khoa Công trình bắt đầu hành trình khám phá cầu Bạch Đằng


Sinh viên tìm hiểu công nghệ chế tạo dầm BTCT dự ứng lực, công nghệ lắp ghép kết cấu nhịp cầu dẫn (do Công ty Cp Cầu 14 thi công)

Lãnh đạo khoa Công trình cho biết: “…Bên cạnh việc tổ chức đào tạo, giảng dạy lý thuyết, thực hành tại Trường, khoa Công trình đã kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tạo ra những điều kiện tốt nhất giúp cho sinh viên được thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp hoặc đi thực tế tìm hiểu các công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại tại các công trình, dự án lớn…”


Sinh viên tìm hiểu công nghệ thi công đúc hẫng cầu khung, dầm hộp BTCT dự ứng lực (do Công ty Cp Tập đoàn Phúc Lộc thi công)

“… Khi được trực tiếp học tập và làm việc tại công trường dự án, sinh viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức thực tế chuyên môn, chuyên ngành đồng thời sớm tiếp cận và hình thành ý thức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp khi làm việc trong môi trường công nghiệp, hiện đại…”.


Sinh viên tìm hiểu công nghệ thi công trụ tháp và kết cấu nhịp cầu chính (do Tông Công ty XDCTGT 1- CIENCO1 thi công)

Tại công trình cầu Bạch Đằng, sinh viên được các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật giới thiệu, hướng dẫn tìm hiều các công nghệ mới nhất để thi công cọc khoan nhồi đường kính 2.0m, chiều dài 65m (đặc biệt có 25m ngập trong đá) và sử dụng hệ thống xe đúc chạy dưới để thi công đúc hẫng nhịp dây văng…


Ông Lê Quang Hòa – Phó Giám đốc Công ty CP Thi công Cơ giới thuộc Tông Công ty XDCTGT 1 giới thiệu công nghệ mới thi công cầu Bạch Đằng


Đứng trên mặt cầu cao quan sát tàu bè qua lại và nhìn toàn cảnh cảng Tân Cảng 189 Hải Phòng

Sinh viên lớp 65DCCD22 cho biết: “…Chuyến đi thực tế tại Cầu Bạch Đằng là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích và thiết thực. Hoạt động này giúp chúng em hiểu thêm về một số công nghệ thi công hiện đại sử dụng xây dựng trong xây dựng cầu nói riêng và các công trình xây dựng nói chung đồng thời giúp chúng em thêm yêu ngành, yêu nghề, giúp tập thể lớp đoàn kết hơn…”


Sinh viên chia tay công trình cầu Bạch Đằng với khát khao và niềm tin xây dựng được những công trình lớn trong tương lai